Ma Thuật Bùa Chú Và Tục Việt Vu Kê Bốc Trong Tín Ngưỡng Dân Gian Của Người Việt

199,000

Ma Thuật Bùa Chú Và Tục Việt Vu Kê Bốc Trong Tín Ngưỡng Dân Gian Của Người Việt

Tác giả: Kiều Thu Hoạch

Số trang: 268

Mô tả

Ma Thuật Bùa Chú Và Tục Việt Vu Kê Bốc Trong Tín Ngưỡng Dân Gian Của Người Việt

Ma thuật và bùa chú – cánh cửa ẩn mật, chiều kích tối trong đời sống tâm linh con người, luôn khuấy gợi sự tò mò lẫn hoài nghi, e sợ của mỗi chúng ta. “Ma thuật, bùa chú và tục Việt vu kê bốc trong tín ngưỡng dân gian của người Việt” (Omega+ và Nxb Khoa học xã hội, 2023), chuyên khảo mới nhất của GS. Kiều Thu Hoạch, dành riêng để nghiên cứu đề tài đặc biệt về khía cạnh siêu linh này.
Ma thuật và bùa chú – một hằng số văn hóa phổ quát

Hẳn chúng ta có thể từng được nghe những câu chuyện truyền miệng về bùa chú, bùa ngải được các pháp sư, phù thủy, đạo sĩ, thầy cúng, hoặc ông bà đồng tạo ra và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chúng, như một thứ bảo hiểm vô hình, có tác dụng hộ thể chống lại sự đe dọa đến từ thế lực ma quỷ siêu nhiên, trấn yểm, trừ tà, nhưng cũng không thể không kể đến các bùa chú có mục đích ám hại.

Từng có một khoảng thời gian bùa chú ít thu hút sự chú ý của các nhà nhân học, không chỉ vì tính chất bí truyền của chúng, mà còn vì bản thân các học giả đã ưa chọn hướng tiếp cận nghiên cứu những biểu hiện vật chất và thiết chế văn hóa – xã hội cụ thể hơn của tộc người. Mặc dù vậy, bùa chú và ma thuật lại là một chủ đề nghiên cứu quan trọng trong các công trình lớn mang tính chất bước ngoặt của chuyên ngành nhân học.

Trong chuyên khảo của mình, tác giả Kiều Thu Hoạch đã tuyển lựa, lược thuật giới thuyết về ma thuật và bùa chú của bốn học giả lớn, đó là nhà nhân học xã hội người Scotland James Frazer (1854 – 1941),[1] nhà nhân học người Anh gốc Ba Lan Bronislaw Malinowski (1884 – 1942),[2] triết gia, nhà dân tộc Pháp Lucien Lévy-Bruhl (1857 – 1939),[3] nhà tôn giáo học người Nga S. A. Tokarev (1899 – 1985).[4]

Một thực tế không thể phủ nhận là bùa chú và ma thuật đã xuất hiện rất sớm, có mặt trong tất cả các nền văn hóa và được tìm thấy trong mọi thời kỳ của lịch sử loài người, kể từ sơ khai nguyên thủy, trải qua các nền văn minh cổ đại, trung đại và tồn tại cho tới cả ngày nay. Rõ ràng, chúng mang tính chất phổ quát và là một hằng số văn hóa.

Hệ thống ma thuật và bùa chú, vốn phản ánh tín ngưỡng của một cộng đồng cũng như mối quan hệ của con người với thế giới thần linh, chính là một trong những hệ thống tiết lộ thế giới quan tồn tại thông qua đời sống nghi lễ của các dân tộc trên khắp thế giới.

Bởi, ma thuật và bùa chú là những yếu tố đã được mô thức hóa trong các nghi thức, nghi lễ – những hình thức truyền đạt cốt lõi của sự hiểu biết về thế giới quan: cách thế giới được xây dựng, sự sắp xếp và hiện diện trong một thế giới tưởng tượng của các vật thể và hiện tượng tự nhiên, cũng như các vị thần và linh hồn bảo trợ hoặc đối địch.

Nếu sử dụng một phép phân loại dựa trên thống kê thuật ngữ, thì có thể nêu tên một số loại bùa như bùa hộ mệnh/bùa may mắn (amulet/talisman) hiện diện ở Ai Cập, La Mã cổ đại và nhiều tôn giáo lớn sau này, phù lục/linh phù (符籙/靈符) được sử dụng trong Đạo giáo Trung Hoa, thần chú (incantation) kích hoạt hiệu ứng ma thuật trên người hoặc đồ vật và lời nguyền (curse)…

Điều này tương ứng với nhận định của tác giả cho rằng bùa không chỉ có ở những nước sử dụng chữ Hán, mà còn cả ở những nền văn hóa hay quốc gia sử dụng các loại hình văn tự hoặc ký hiệu.

Cội nguồn bùa chú của người Việt

Đặc sắc của chuyên khảo Việt vu kê bốc, chính là sự hồi quy thám mã về cội nguồn bùa chú của người Việt khởi đầu từ tục “Việt vu kê bốc” (tục bói gà trong vu thuật của người Việt) trong cộng đồng Bách Việt. Khác với Hán vu của người Hán bói bằng cỏ thi, mai rùa, thì người Việt chúng ta bói chân gà.

Hình tượng con gà trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, được quan niệm là con vật thiêng chỉ đường dẫn lối tâm linh với thực tại, nên thường được sử dụng trong các hình thức bói toán. Chân gà chính là một hiện vật thần bí được thiêng hóa, nhưng đồng thời cho thấy một đặc trưng của bùa chú Việt, đó là hàm chứa trong nó sự hỗn dung của nhiều yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng, dù là nhận thức sơ khởi về mối liên hệ giữa thế giới trần tục và thế giới huyền thiêng, hay chỉ đơn giản là những niềm tin không thể lý giải nổi đến từ nỗi sợ tự nhiên.

Bùa chú Việt, xuất phát từ vu thuật – một loại hình tín ngưỡng dân gian trừ tà, chữa bệnh, cầu bình an, sau đó đã tiếp nhận những yếu tố ảnh hưởng từ Đạo giáo, Phật giáo (đặc biệt là Mật tông) để diễn tiến trở thành một loại hình bùa chú có màu sắc ma thuật phù thủy.

Bùa chú xuất phát từ gốc tích ma thuật nguyên thủy, “kê bốc,” còn hơn cả một sản phẩm thuần túy của xã hội phong kiến. Bởi từ nỗi sợ nguyên thủy trước những hiện tượng tự nhiên không giải thích được, hay trước cái chết, con người tạo ra những loại hình bùa để tác động trấn áp lại thế giới siêu nhiên như xua đuổi tà ma, trị bệnh, trấn trạch, nhốt trùng tang…

Một phát hiện quan trọng trong chuyên khảo là tác giả Kiều Thu Hoạch đã nhận diện được vai trò và sự vận động của một tầng lớp thực hành tín ngưỡng liên quan đến vu thuật và bùa chú, đó là vu hích (ông đồng bà cốt). Họ đóng vai trò như một sứ giả trung gian, có thể giao tiếp được với thần linh, mời thần linh giáng hạ, nhập hồn, và là người đọc thần chú, vẽ bùa.

Ma Thuật Bùa Chú Và Tục Việt Vu Kê Bốc Trong Tín Ngưỡng Dân Gian Của Người Việt
Ma Thuật Bùa Chú Và Tục Việt Vu Kê Bốc Trong Tín Ngưỡng Dân Gian Của Người Việt

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Chỉ những khách hàng đã đăng nhập và mua sản phẩm này mới có thể đưa ra đánh giá.