Mô tả
Bác Sĩ Từ Lhasa
Bác sĩ từ Lhasa – (Doctor from Lhasa – Lần đầu xuất bản năm 1959) câu chuyện tiếp tục với việc Lobsang rời Lhasa và sống ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Ở đây, ông đẩy mạnh nghiên cứu y khoa, học lái máy bay và cuối cùng bị người Nhật bắt và tra tấn. Lobsang trải qua thời gian rất dài sống trong trại tập trung, làm việc như các nhân viên y tế chính thức cho đến ngày ông trốn thoát. Lobsang là một trong số rất ít người còn sống sót khi quả bom nguyên tử đầu tiên ném xuống Hiroshima. Trong cuốn sách ông cũng hướng dẫn làm thế nào để sử dụng một quả cầu pha lê cho khoa chiêm tinh và tập thở để cải thiện sức khỏe.
***
Tôi đã viết quyển The Third Eye (Con Mắt Thứ Ba)1 khi ở nước Anh, quyển sách này được viết theo đúng sự thật, nhưng nó cũng đã gây nên nhiều tranh cãi. Nhiều bức thư được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới, và để đáp ứng yêu cầu của các độc giả quan tâm, tôi đã viết tiếp quyển sách này, Doctor From Lhasa (Bác Sĩ đến từ Lhasa).
Những kinh nghiệm của tôi, như sẽ đề cập đến trong quyển sách thứ ba, vượt xa những trải nghiệm mà hầu hết mọi người đã phải chịu đựng, và trong cuộc đời, nếu các trải nghiệm đó có xảy ra đồng thời thì cũng chỉ có một vài trường hợp mà thôi. Dẫu sao thì nó cũng không phải là mục tiêu của cuốn sách này, được viết tiếp về tự truyện của tôi.
Tôi là một Lạt ma Tây Tạng đến với thế giới phương Tây để theo đuổi đến cùng vận mệnh của tôi, đến và vượt qua tất cả những khó khăn như đã được tiên tri từ thủa thiếu thời. Thật không may, người phương Tây nhìn nhận tôi như một đồ cổ, một mẫu người cần được đặt trong một cái lồng và trưng bày như một con quái vật đến từ một thế giới không ai biết đến. Điều đó làm cho tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho những người bạn cũ của tôi, những Người Tuyết hoang dã, nếu những người phương Tây bắt được họ, và thực tế thì họ đang cố gắng làm điều đó.
Chắc chắn là Người Tuyết sẽ bị bắn, bị nhồi, và trưng bày trong viện bảo tàng. Thậm chí sau đó người ta sẽ tranh luận và nói rằng không có những thứ như Người Tuyết! Đối với tôi rất khó để tin rằng người phương Tây có thể tin vào truyền hình và tàu vũ trụ có thể bay vòng quanh Mặt Trăng và trở về nhưng lại không công nhận Người Tuyết hoặc “Vật thể Bay Không xác định”2, tóm lại là bất cứ cái gì mà họ không thể cầm trong tay và xé rách thành từng mảnh để xem nó hoạt động như thế nào.
Nhưng bây giờ công việc khó khăn của tôi là chỉ đưa vào một vài trang các chi tiết của tuổi ấu thơ của mình trước khi viết cuốn sách. Tôi được sinh ra trong một gia đình quý tộc, một trong những gia đình hàng đầu ở Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Cha mẹ tôi có nhiều điều để nói về việc lãnh đạo đất nước, và vì tôi thuộc đẳng cấp cao nên tôi đã được huấn luyện khắc nghiệt phù hợp với vị trí của mình trong tương lai. Sau đó, trước khi tôi lên bảy tuổi, theo tục lệ, các nhà Chiêm tinh của Tây Tạng sẽ cho biết con đường sự nghiệp trong tương lai của tôi. Để chuẩn bị cho sự kiện đó, cha mẹ tôi chuẩn bị một bữa tiệc lớn, các quan khách bao gồm tất cả các quan chức hàng đầu, các nhà quý tộc của thủ đô Lhasa được mời tham dự để nghe các nhà Chiêm tinh quyết đoán về số phận tôi. Cuối cùng thì ngày đó cũng đã đến.
Quan khách kéo đến chật ních trong nhà tôi. Các nhà Chiêm tinh đến với lá số, những biểu đồ và tất cả những thứ cần thiết cho công việc tiên tri của họ. Khi thời điểm thích hợp đã đến, tất cả mọi người tập trung lại với sự phấn khích đặc biệt, vị Thiên Giám Quan Trưởng long trọng tuyên bố phát hiện của mình, rằng khi lên bảy tuổi, tôi cần được vào tu tập trong lạt ma viện để được thụ huấn như một tu sĩ kiêm y sĩ giải phẫu. Những điều tiên tri về toàn bộ cuộc đời tôi đã được vạch ra, và thực tế, những nỗi đau đớn đã xảy ra đúng như lời tiên tri. Tôi nói “nỗi đau đớn” là bởi vì những thử thách đều là nỗi bất hạnh, gian nan và khổ đau, và cũng không dễ dàng hơn chút nào khi người ta biết trước rằng mình sẽ phải chịu đựng nó.
Tôi lủi thủi cô đơn một mình đi đến tu viện Chakpori khi tôi lên bảy tuổi. Ngay tại cổng vào tôi đã bị giữ lại, và phải trải qua một thử thách để xem liệu tôi có đủ cứng cỏi, mạnh mẽ để theo được những năm tháng huấn luyện tại đây hay không.
Tôi đã vượt qua thử thách và được nhận vào tu viện. Tôi đã trải qua tất cả các giai đoạn từ một tiểu sơ cơ, và cuối cùng tôi đã trở thành một Lạt ma, và Sư trưởng. Y học và giải phẫu là những điểm mạnh đặc biệt của tôi. Tôi đã nghiên cứu về lĩnh vực này với sự khao khát, và tôi đã được hưởng mọi điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu xác chết. Ở phương Tây người ta tin rằng các Lạt ma Tây Tạng không bao giờ làm bất cứ điều gì với các cơ thể con người theo nghĩa mổ tử thi.
Có quan niệm cho rằng, có vẻ như y khoa Tây Tạng non kém, bởi vì các Lạt ma y tế chỉ điều trị các bệnh bên ngoài chứ không phải các bệnh bên trong cơ thể. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Tôi đồng ý là điều đó đúng với các Lạt ma bình thường, họ không bao giờ mổ một cơ thể, bởi vì điều đó trái ngược với đức tin của họ. Nhưng có những người đặc biệt trong các số các vị Lạt ma, mà tôi là một trong số đó, những người được đào tạo để thực hiện những ca mổ và những hoạt động đó thậm chí có thể vượt ra ngoài phạm vi hiểu biết của khoa học phương Tây.
Thời gian trước đây, ở phương Tây người ta cho là y học Tây Tạng dạy rằng người đàn ông có trái tim của mình ở bên này, và người phụ nữ có trái tim ở phía bên kia. Không có gì vô lý hơn thế. Thông tin kiểu đó đã được truyền lại cho người phương Tây bởi những người không có kiến thức thực tế về những gì họ đang viết, bởi vì một vài vấn đề được đề cập có liên quan đến thể vía, đây lại là một điều hoàn toàn khác. Tuy nhiên, cuốn sách này không đề cập đến điều đó.
Tôi được đào tạo thực sự chu đáo, bởi vì tôi phải biết không chỉ các môn chuyên ngành về y học và phẫu thuật, mà còn phải học thật tốt tất cả Giáo lý, cũng bởi vì tôi là một lạt ma y tế, tôi cũng đã phải trải qua các kỳ thi như một tu sĩ được đào tạo đầy đủ theo quy định của tôn giáo. Vì vậy, việc học tập cả hai ngành cùng một lúc là cần thiết, và điều đó có nghĩa là tôi phải học gian khổ gấp đôi một tu sĩ bình thường. Tôi không cho là mình đã làm điều gì đó ghê gớm!
Nhưng tất nhiên, đó chưa phải là tất cả những khó khăn mà tôi đã trải qua. Tôi đã đi tới nhiều vùng núi cao hơn nữa của Tây Tạng—Lhasa ở độ cao trên bốn ngàn thước so với mực nước biển—để thu thập các loại thảo mộc. Nền y học mà tôi được đào tạo sử dụng thảo dược để chữa trị bệnh, và tại tu viện Chakpori, chúng tôi luôn luôn có ít nhất 6,000 loại thảo dược khác nhau được bảo quản trong kho. Người Tây Tạng chúng tôi tin rằng dân tộc chúng tôi biết chữa bệnh bằng thảo dược nhiều hơn bất cứ dân tộc nào khác trên trái đất này. Đến nay, sau nhiều năm trôi qua, tôi đã đi khắp nơi trên thế giới và niềm tin ấy trong tôi càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong một số chuyến đi lên vùng núi cao Tây Tạng, tôi đã bay trên những chiếc diều có người lái, bay liệng phía trên những mỏm đá nhọn lởm chởm của những dải núi cao, và tìm kiếm hết dặm này đến dặm khác trên khắp vùng núi. Tôi cũng đã tham gia vào cuộc thám hiểm đáng ghi nhớ tới hầu hết các vùng mà con người hầu như không thể đến được, đến cả Cao nguyên Chang Tang3, miền đất cao nhất của Tây Tạng. Đoàn thám hiểm chúng tôi còn tìm thấy một thung lũng hẻo lánh ấm áp nằm giữa những khe nứt trong đá, được sưởi ấm bởi những ngọn lửa vĩnh cửu trong lòng trái đất, những ngọn lửa này làm nước sôi sùng sục trước khi chảy vào dòng sông. Chúng tôi cũng tìm thấy một thành phố rộng lớn, một nửa thành phố nằm trong vùng không khí nóng của thung lũng bị che khuất, và phần còn lại bị chôn vùi dưới dòng sông băng trong suốt. Băng trong đến mức có thể nhìn thấy thành phố như thể nhìn qua làn nước trong vắt vậy. Vùng đất của thành phố đã được tan khỏi băng tuyết gần như còn nguyên vẹn. Thời gian hầu như không làm ảnh hưởng tới các tòa nhà. Nơi đây có không khí nhưng hầu như không có gió, và chính điều đó đã cứu cho các tòa nhà thoát khỏi sự hủy hoại. Chúng tôi đi bộ dọc theo các con phố, nơi mà hàng ngàn, ngàn năm về trước, những con người đầu tiên đã bước trên đó. Chúng tôi đi lang thang, qua các ngôi nhà, mà như thể chúng đang chờ chủ nhân của mình trở về, cho tới khi chúng tôi để ý hơn và nhìn thấy những bộ xương kỳ lạ, những bộ xương đã hóa thạch, và rồi lúc đó chúng tôi mới nhận ra rằng đây là một thành phố chết. Có những thiết bị lạ lùng, điều đó cho thấy rằng thung lũng bí ẩn này đã từng là quê hương của một nền văn minh cao hơn rất nhiều so với bất kỳ nơi nào trên trái đất ngày nay. Nó chứng minh một cách thuyết phục rằng chúng ta bây giờ rất lạc hậu so với người xưa: Trong cuốn sách này, cuốn sách thứ hai của mình, tôi sẽ viết nhiều hơn về thành phố đó.
Khi còn nhỏ, tôi đã trải qua một cuộc phẫu thuật đặc biệt để mở con mắt thứ ba. Một mảnh gỗ cứng đặc biệt, sau khi đã ngâm trong dung dịch thảo dược đặc biệt, được đưa vào giữa trán của tôi để kích thích một tuyến mà nó làm cho tôi tăng khả năng nhìn thấu được cả những cái vô hình. Tôi sinh ra vốn đã có khả năng thấu thị rõ rệt, nhưng rồi sau cuộc phẫu thuật, tôi thực sự khác thường, và tôi có thể nhìn thấy mọi người với hào quang bao quanh họ như thể họ được cuộn trong những ngọn lửa mầu sắc bồng bềnh. Từ hào quang của họ tôi có thể đoán được những suy nghĩ của họ, biết được họ ốm vì bệnh gì, những hy vọng và nỗi sợ hãi của họ.
Bây giờ tôi đã rời khỏi Tây Tạng, tôi đang cố gắng thuyết phục các bác sĩ phương Tây về một phương pháp mà nó có thể cho phép các bác sĩ nhìn thấy hào quang của con người. Tôi biết rằng nếu các bác sĩ có thể nhìn thấy hào quang, họ có thể thực sự nhận biết được điều gì đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Bằng cách nhìn vào mầu sắc và hình dáng của những dải màu rung động của hào quang, các chuyên gia có thể xác định một cách chính xác người đó đang bị bệnh gì. Hơn nữa, phương pháp này có thể cho biết sớm khi có bất kỳ dấu hiệu nào có thể nhận biết được trong cơ thể vật lý của con người, bởi vì hào quang cho thấy bằng chứng của bệnh ung thư, lao, và những căn bệnh khác nhiều tháng trước khi nó thực sự tấn công vào cơ thể vật lý. Như vậy, bằng cách cảnh báo sớm trước khi khởi phát bệnh, bác sĩ có thể điều trị và chữa bệnh không thể sai lầm được. Tôi thực sự thất vọng và buồn sâu sắc, vì các bác sĩ phương Tây hoàn toàn không quan tâm. Họ cho rằng đó là ma thuật, chứ không phải theo ý nghĩa hoàn toàn bình thường. Bất cứ một người kỹ sư nào cũng biết rằng dây điện cao áp có vầng hào quang xung quanh. Cơ thể con người cũng vậy, nó cũng chỉ là một điều rất đỗi bình thường về khía cạnh vật chất mà tôi muốn chỉ ra cho các chuyên gia, nhưng họ từ chối. Đó là một bi kịch. Sẽ có lúc họ phải nhìn nhận nó, nhưng bi kịch là ở chỗ từ giờ cho tới khi các nhà khoa học thay đổi cách suy nghĩ sẽ còn nhiều người phải chịu đau đớn và bị chết một cách không cần thiết.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba là người bảo trợ của tôi. Ngài đã ra lệnh dành cho tôi mọi sự hỗ trợ cần thiết trong đào tạo và truyền đạt kinh nghiệm. Ngài yêu cầu tôi cần phải được thụ huấn tối đa có thể, bằng cách giảng dạy trực tiếp, cũng như bằng phương pháp thôi miên và các phương pháp khác nữa mà tôi sẽ không đề cập đến trong cuốn sách này. Một số phương pháp được đề cập đến trong cuốn sách này, hoặc trong cuốn sách Con Mắt Thứ Ba. Những phương pháp khác còn mới lạ, và không thể tin được với trình độ nhận thức của khoa học hiện nay.
Nhờ có năng lực thấu thị, tôi đã trợ giúp cho Đáng Thái Tuế trong nhiều dịp. Tôi đã ẩn mình trong căn phòng để làm sáng tỏ những suy nghĩ và ý định thực sự của một người thông qua việc quan sát hào quang của họ. Điều này đã được thực hiện để xem xét lời phát biểu và suy nghĩ của một người, đặc biệt khi họ là các chính khách nước ngoài đến thăm Đức Đạt Lai Lạt ma. Tôi đã ẩn mình quan sát phái đoàn Trung Quốc khi họ được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười ba đón tiếp. Tôi cũng đã ẩn mình quan sát khi một người Anh đến gặp Ngài, nhưng lần này, tôi suýt nữa thì không hoàn thành nhiệm vụ chỉ vì tôi hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy trang phục kỳ lạ của người khách Châu Âu.
Chương trình huấn luyện kéo dài đầy gian khổ. Tại tu viện, các buổi lễ và giờ học mà chúng tôi phải tham dự kéo dài suốt đêm cũng như trong suốt cả ngày, không cho chúng tôi được ngủ yên tĩnh. Chung tôi cuộn chăn và nằm ngủ trên sàn. Các thầy giáo rất nghiêm khắc, chúng tôi học tập, nghiên cứu và ghi nhớ mọi điều trong óc. Chúng tôi không ghi chép trong sách vở, mà phải đảm bảo ghi nhớ mọi điều. Tôi được đào tạo một cách toàn hảo các môn huyền vi, nghiên cứu sâu về thần nhãn, về sự di chuyển của thể vía, về thần giao cách cảm.
Trong giai đoạn khởi đầu, tôi đã được đến thăm các hang động và đường hầm bí mật bên dưới cung điện Potala, nơi mà những người bình thường không được biết đến. Chúng là những di tích của một nền văn minh lâu đời mà hầu như đã rơi vào quên lãng, và trên các bức vách là những vết tích, nhưng hình vẽ của những vật bay trong không gian, và những vật đi dưới mặt đất. Trong khoảng thời gian khác, tôi nhìn thấy cơ thể những người khổng lồ được bảo quản cẩn thận, một người cao mười feet, người khác cao mười lăm feet4. Tôi cũng đã đi qua bên kia cửa tử để biết rằng không có sự chết, và khi tôi trở về dương thế tôi được công nhận là một hóa thân, được mang danh hiệu Sư trưởng. Nhưng tôi không muốn làm hòa thượng, trói buộc vào một lạt ma viện. Tôi muốn trở thành một vị lạt ma, tự do đi đây đó, giúp đỡ mọi người, như lời tiên tri mà tôi đã biết. Vì vậy, tôi được mang danh hiệu Lạt ma theo lệnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma và cũng nhờ Ngài, tôi trở nên gắn bó với cung điện Potala. Thậm chí sau đó, tôi được đào tạo tiếp, tôi được dạy về nhiều khoa học phương Tây, về quang học và những chuyên ngành liên quan khác. Nhưng rồi cũng đến lúc tôi được gọi vào nhận lệnh của đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ngài nói với tôi rằng, tôi đã được học tất cả những gì tôi có thể học ở Tây Tạng, đã đến lúc tôi cần phải lên đường, để lại đằng sau tất cả những gì mà tôi yêu thương, tất cả những gì mà tôi quan tâm. Ngài nói rằng tôi là một sứ giả đặc biệt được gửi đến Trùng Khánh để học về y học và giải phẫu học tại thành phố này của Trung Quốc.
Con tim tôi đau đớn khi bái biệt đấng Thái Tuế, và đến gặp Thầy của tôi, Đức Lạt Ma Mingyar, để nói với Người về quyết định của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó, tôi đến nhà cha mẹ tôi cũng để nói với họ về những gì đã xảy ra và tôi sẽ rời khỏi Lhasa. Những ngày cuối cùng trôi qua, và rồi ngày lên đường đã đến, tôi rời khỏi tu viện Chakpori, lần cuối cùng nhìn Đại Đức Mingyar trong thân xác nơi trần thế và tôi đi theo con đường ra khỏi thành phố Lhasa, thành phố linh thiêng, trên đỉnh cao tột của truông núi. Và khi quay đầu nhìn lại phía sau, tôi nhìn thấy một cánh diều đơn chiếc đang bay lượn trên nóc điện Potala.
Lobsang Rampa
***
Tuesday Lobsang Rampa tự nhận mình là linh hồn của một vị lama người Tây Tạng đã mượn tạm xác của một người Anh tên là Cyril Hoskin (8 tháng 4 1910 – 25 tháng 1 1981). Cái tên Tuesday (thứ Ba) liên quan đến lời ông kể rằng các quý tộc người Tây Tạng được đặt tên theo ngày mà họ sinh ra.
Vào tháng 11 năm 1956 một cuốn sách với tựa đề The Third Eye (Con mắt thứ ba) được xuất bản ở Anh. Cuốn sách được viết bởi một người ký tên là Lobsang Rampa và kể lại những kinh nghiệm của ông khi lớn lên trong một tu viện ở Tây Tạng từ năm lên bảy tuổi. Tựa đề cuốn sách liên quan đến một cuộc phẫu thuật trên trán để mở ra con mắt thứ ba để làm tăng cường khả năng nhìn aura của ông.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.