Mô tả
Luật Xuất Gia Tóm Tắt
Khi Phật sắp nhập Niết-bàn ông Ananda và ông Upāli, có đến hỏi Phật: Bạch Ðức Thế tôn sau khi Phật diệt độ, chúng tôi phải tôn ai làm thầy? Phật dạy: “Phải tôn giới Ba la đề mọc xa làm thầy.”
“Ba la đề mọc xa” (Pātimokkha) Tàu dịch là: “Biệt biệt giải thoát”, nghĩa là giữ được một giới luật thì thoát khỏi được một tội lỗi.
Phật lại nói: Như Lai chế ra điều học có mười điều lợi ích là: 1) cho có điều tuyệt hảo đến tăng; 2) cho có sự an lạc đến tăng; 3) để khiển trách những người bướng bỉnh phá giới; 4) cho có sự ở an đến tỳ khưu trì giới trong sạch, đáng kính mến; 5) để ngăn ngừa các lậu phiền não trong đời hiện tại; 6) để đẩy lui các lậu phiền não trong đời vị lai; 7) cho những người chưa tin, phát tâm tín ngưỡng; 8) cho những người đã tin, càng thêm tin; 9) cho Phật pháp được kiên cố lâu dài; 10) để bổ trợ tạng luật.
Chư tỳ khưu vui thích trong sự xuất gia, nên ghi nhớ cho rõ các quả vui đều phát sanh do sự thông hiểu “Giới luật” trước, cho có đức tin bền chắc trong giới luật và cần phải thật hành theo cho thuần thục
Người thông hiểu giới luật ví như cha mẹ, như nơi nương nhờ của tất cả hạng người tín ngưỡng Phật pháp. Những người đã thọ Sa di¸ hoặc Tỳ khưu giới thực hành theo điều trọng và điều khinh và biết rõ nơi nào nên tới lui, hoặc không nên tới lui[1], cũng đều nương theo người thông hiểu “giới luật” ấy.
Người mà giữ giới trong sạch, đáng làm nơi nương nhờ cho hàng Phật tử mong tìm sự an vui, thì hằng được tươi tỉnh, nói năng trong khi hội họp không chút chi e ngại. Người trì giới có thể cảm hóa kẻ nghịch trở thuận, làm cho Phật pháp được hưng thạnh lâu dài.
Lại nữa, giới luật có lợi ích phát sanh “sự thu thúc” (saṃvara). Thu thúc có lợi ích phát sanh “sự không bất bình” (vipaṭisāra). Không bất bình có lợi ích phát sanh “sự thỏa thích” (pāmojja). Thỏa thích có lợi ích phát sanh “sự no lòng” (pīti).[2] No lòng có lợi ích phát sanh “tâm yên lặng” (passaddhi). Yên lặng có lợi ích phát sanh “điều an lạc” (sukha). An lạc có lợi ích phát sanh “thiền định” (samādhi). Thiền định có lợi ích phát sanh “sự hiểu biết rõ cả pháp theo chơn lý” (yathābhūtannānadassana). Hiểu biết rõ các pháp theo chơn lý có lợi ích phát sanh “sự chán nản đối với chúng sanh và vật” (nibbidā). Chán nản trong chúng sanh và vật có lợi ích phát sanh “sự xa lìa tình dục” (virāga). Xa lìa tình dục có lợi ích phát sanh “sự giải thoát khỏi phiền não” (vimutti). Giải thoát khỏi phiền não có lợi ích phát sanh “sự hiểu biết rõ rằng được giải thoát” (vimuttināṇadassana). Hiểu biết rõ rằng được giải thoát có lợi ích phát sanh “sự dứt khổ vì hết cố chấp” (anupādāparinibbāna). Quả báo mà phải được theo thứ tự ấy, đều do sự trì giới luật cả.
Cớ ấy, hành giả muốn được an vui tuyệt đối ở cảnh Niết-bàn, chỉ nên tinh tấn vâng giữ giới luật và hết lòng thực hành theo cho chín chắn, ắt được như nguyện chẳng sai.
Mong sao cho tất cả thân quyến chúng ta trong vũ trụ được an vui lâu dài, sớm mau hồi đầu hướng thiện qui y Tam bảo, thọ trì giới luật, một lòng bất thối, để tiến bộ trên đường giải thoát, đạt đến Niết-bàn ngỏ hưởng điều an vui bất diệt.
Mong thay
Bhikkhu Vaṅsarakkhita (Tỳ khưu Hộ Tông).
PL.2510 – TL.1966
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.