Mô tả
Binh Thư Yếu Lược – Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
Binh Thư Yếu Lược (Tri Thức Trẻ) được cho là một trong hai tác phẩm chính của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, vị danh tướng lẫy lừng không chỉ ở Việt Nam mà còn là toàn thế giới. Nhắc đến Trần Quốc Tuấn, người ta thường nhắc đến bản Hịch tướng sĩ hay Dụ chư tỳ tướng hịch văn – bài hịch nổi tiếng cổ động tinh thần quân tướng Đại Việt khi đối đầu với đội quân Mông Nguyên hung tàn từng dày xéo nhiều vùng từ Âu sang Á.
Trong khi đó Binh Thư Yếu Lược (Tri Thức Trẻ) lại không được nhiều người biết đến như vậy, hơn nữa văn bản sách được truyền lại ngày nay cũng không chắc chắn là hoàn toàn của Hưng Đạo Đại vương. Hiện cho đến nay, vẫn đang có song song tồn tại cùng lúc hai bản dịch của hai nhóm dịch khác nhau. Đó là bản dịch của nhóm dịch giả Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đỗ Mộng Khương, do Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 1970) – từ đây xin gọi là “Bản KHXH”. Và bản dịch của nhóm dịch giả Nguyễn Phước Hải, Mã Xuân Lương và Lê Xuân Mai (Nhà sách Khai Trí – 1970) – từ đây xin gọi là “Bản Khai Trí”. Phần nội dung chính của bản Khai Trí (Văn bản Binh thư yếu lược Cuốn thứ nhất) tương đương với Quyển I trong số 4 quyển trong văn bản Binh thư yếu lược của bản KHXH. Bản KHXH thì căn cứ trên cơ sở văn bản chữ Hán lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội; các dịch giả và người hiệu đính đã phân tích và nhận thấy văn bản lưu trữ này đã được hậu nhân tu chỉnh, chính xác là trích khá nhiều đoạn trong tác phẩm Hổ trướng khu cơ của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ – một vị tướng tài xuất hiện trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh. Vì thế, nhóm dịch và hiệu đính đã chủ động cắt bỏ những đoạn trích này và đưa toàn bộ nội dung của Hổ trướng khu cơ ra in ở sau, coi như phần hai của bản KHXH. Điều khác biệt lớn nhất giữa hai phiên bản, đó là bản Khai Trí, tuy chỉ chứa nội dung của Quyển I tuy nhiên lại dịch đầy đủ phần “được cho là mê tín” và bị cắt bỏ trong bản KHXH. Thông qua phiên bản Binh thư yếu lược được xuất bản lần này, chúng tôi đã đem đến cho người đọc cả hai phiên bản dịch, đồng thời bổ sung thêm văn bản “Lời bạt của Trần Khánh Dư viết cho Vạn Kiếp tông bí truyền thư” làm phụ lục, giúp người đọc cảm nhận được rõ ràng và toàn diện nhất về tác phẩm võ học nổi tiếng cũng như tinh thần của Trần Quốc Tuấn và những đánh giá của người đời. Trước mỗi bản, sẽ là “Lời nói đầu” của bản đó. Riêng phần phụ lục sẽ được đưa xuống cuối sách. Mọi chú thích gốc sẽ được giữ nguyên để người đọc có cái nhìn hoàn toàn chuẩn về hai bản dịch cùng xuất hiện ở hai miền đất nước trong năm 1970. Phụ lục mới sẽ được sử dụng bản gốc và bản dịch trong Thơ văn Lý Trần tập 2 (NXB KHXH, 1988) kèm tất cả nguyên chú, đảm bảo tính nguyên vẹn và truyền tải được rõ ràng tinh thần cũng như diện mạo của bản gốc.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.