Chơn Lý – Tổ Sư Minh Đăng Quang

400,000

Chơn Lý
Tác giả: Tổ Sư Minh Đăng Quang
NXB Tổng Hợp TP HCM 2012
775 Trang

 

Mô tả

Chơn lý là bộ sách giáo lý ghi lại những bài thuyết pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang giảng dạy hoằng hóa trong suốt mười năm (1944-1954) hành đạo nhiều nơi tại các tỉnh thành thuộc hai miền Đông và Tây Nam bộ Việt Nam. Đến ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954) Tổ sư thọ nạn và vắng bóng. Kể từ đó bộ Chơn lý là hiện thân, là dấu ấn, là pháp bảo cao quý mà Tổ sư lưu lại cho hàng môn đồ tứ chúng đệ tử hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.

Trong thập niên 1950-1960, những bài pháp này được in từng tập nhỏ theo từng đề tài để dễ thực hiện và phổ biến rộng rãi cho bá tánh đọc xem tu học như các quyển: Bát chánh đạo, Nhập định, Ăn chay, Giác ngộ, Sợ tội lỗi, Sám hối, Bài học cư sĩ…

Đến năm 1961, lần đầu tiên Pháp sư Giác Nhiên cùng chư Tôn thiền đức đại đệ tử của Tổ sư cho kết tập toàn bộ và ấn tống với tựa đề là Chơn lý.

Bộ Chơn lý gồm có tất cả 69 tiểu luận. Mỗi tiểu luận Tổ sư giảng giải, trình bày về một vấn đề, một ý pháp liên hệ. Điểm nổi bật là dù đề cập đến đề tài nào, Tổ sư cũng không tách rời mục tiêu khai thị hướng dẫn học nhơn tu tập theo đúng chánh pháp như trong tam tạng giáo điển kinh-luật-luận của đức Phật dạy. Điều này cho chúng ta thấy nếu không có tâm nguyện, ý chí và trí tuệ của một vị Tổ sư với sứ mạng khai lập một hệ phái thì chắc chắn khó có thể làm được.

Trong bối cảnh của thập niên 1940-1950, Phật giáo Việt Nam đang trong thời kỳ từng bước chuyển mình chấn hưng, Tổ sư đã thích nghi vận dụng kết hợp hài hòa hai truyền thống lâu đời của Phật giáo và những đặc thù trong cơ cảm của người dân Việt mà hình thành một hệ tư tưởng với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, xây dựng một hệ Phật giáo biệt truyền, mang phong cách thuần hòa của dân tộc.

Về hình thức kiến trúc và thờ phượng, Tổ sư chủ trương xây dựng ngôi đạo tràng tịnh xá với mô hình bát giác. Bên trong Chánh điện chỉ tôn trí thờ một bảo tượng duy nhất là đức Phật Thích-ca Mâu-ni trên bảo tháp tam cấp.

Trong các thời khóa thường nhật, Tăng Ni tín đồ tụng đọc, học tập kinh luật bằng tiếng Việt, nhằm truyền bá chánh pháp một cách sâu rộng đến với quảng đại quần chúng.

Nội dung bộ Chơn lý cho chúng ta thấy, kinh điển thời bấy giờ phần nhiều còn nguyên chữ Phạn hoặc chữ Hán, hơn nữa thời gian tìm đọc nghiên cứu của Tổ sư cũng không lâu, thế mà Tổ sư đã có thể hình thành và hệ thống lại một số phạm trù căn bản, nhằm giới thiệu nền tảng tư tưởng của giáo lý đạo Phật đến với mọi tầng lớp xã hội.

Bộ Chơn lý có thể được chia thành các chủ đề chính sau:

– Về quan niệm nguồn gốc vũ trụ, nhận thức về thiên nhiên và con người trong mối liên hệ với giáo lý đạo Phật, có các quyển như: Võ trụ quan, Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhơn duyên, Có và không, Sanh và tử, Nam và nữ…

– Về các pháp môn, phương pháp tu tập hầu đạt đến thân chứng và thành tựu quả vị có các quyển: Bát chánh đạo, Chánh đẳng Chánh giác, Y bát chơn truyền, Chánh pháp, Nhập định, Thần mật, Số tức quan, Chư Phật, Pháp chánh giác…

– Về các tông phái và tư tưởng Đại thừa phát triển có các quyển: Tam giáo, Tông giáo, Đại thừa giáo, Đạo Phật, Pháp Tạng, Vô Lượng Cam Lộ, Quan Thế Âm, Đại Thái Thức, Địa Tạng, Pháp Hoa, Phật tánh, Chơn như…

– Về tư tưởng, hành động và nhân quả chú ng ta có các quyển: Công lý võ trụ, Giác ngộ, Khuyến tu, Đi tu, Tu và nghiệp, Ăn và sống, Hột giống, Sợ tội lỗi, Con sư tử, Sám hối…

– Về đời sống đạo đức hay mô hình một xã hội an lành, hạnh phúc có các quyển: Trường đạo lý, Nguồn đạo lý, Đời đạo đức, Xứ thiên đường…

– Về bài học căn bản dành cho cư sĩ có các quyển: Cư sĩ, Bài học cư sĩ, Pháp học cư sĩ…

– Về giới luật và những pháp học căn bản cho Tăng Ni xuất gia Khất sĩ có các quyển: Bài học Khất sĩ, Luật Khất sĩ, Bài học Sa-di, Pháp học Sa-di I (Kệ giới), Pháp học Sa-di II (Diệt lòng ham muốn), Pháp học Sa-di III (Pháp vi tế), Giới Phật tử (Bồ-tát giới), Giới bổn Tăng, Giới bổn Ni.

Bộ Chơn lý in lại kỳ này giống như ấn bản năm Quý Dậu – 1993 được chia ra làm hai phần:

– Phần Giáo lý gồm có 60 bài liên hệ nhiều về kinh luận, được ghi theo thứ tự ở phần mục lục từ số 1 đến số 60. Phần này dành cho người đọc phổ thông, Tăng Ni và Phật tử đều có thể đọc xem, nghiên cứu tu học.

– Phần Giới luật và Pháp học căn bản của giới Tăng Ni xuất gia gồm có 9 quyển (như đã nêu trên) cộng thêm quyển 114 điều luật nghi mà Tổ sư ban hành, được in thành một quyển riêng với tựa là Chơn lý – Luật nghi Khất sĩ(Riêng giới xuất gia). Phần này chủ yếu dành cho Tăng Ni xuất gia học tập và hành trì.

Chính vì tách phần giới luật của người xuất gia ra thành một tập riêng, nên số thứ tự của các quyển trong Chơn lý cũng bị xê dịch theo. Để cho độc giả tiện tham cứu các ấn bản xưa và nay trong nghiên cứu, chúng tôi cho làm bảng mục lục đối chiếu giữa số cũ và số mới trong phần cuối.

Kính bạch chư Tôn đức,

Như chúng ta biết, đức Phật dạy hãy thừa tự Pháp bảo, hơn là thừa tự tài vật. Đối với người con Phật, Pháp bảo chính là nguồn tài sản cao quý hơn mọi thứ tài sản trên đời. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Thánh Hạnh, đức Phật cũng đã dạy: “Tại sao được gọi là Thánh nhơn? Được gọi là Thánh nhơn vì những bậc này thường hành Thánh hạnh và có bảy thứ tài sản của bậc thánh là: Tín, giới, tàm, quí, đa văn, trí huệ và xả ly”.

Do đó, những người con Phật xuất gia và tại gia, chúng ta hãy luôn tinh tấn tu học với tâm lực và chí nguyện tha thiết tầm cầu, để giới thân huệ mạng luôn được tăng trưởng trong giáo pháp với phương châm mà Tổ sư hằng khuyến hóa:

Nên tập sống chung tu học:
Cái sống là phải sống chung
Cái biết là phải học chung
Cái linh là phải tu chung”.

Hướng tới Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chư Tôn đức Giáo phẩm trong 6 giáo đoàn cùng nhau chuẩn định bản in mới này, dựa trên nền tảng những ấn bản xưa nhất khi Chơn lý còn là những quyển mỏng, in rời. Như vậy, đây là một công trình mang tính tập thể hiệp hòa, thể hiện tinh thần hợp nhất thân thiết giữa các giáo đoàn, đánh dấu một bước phát triển mới của Hệ phái về phương diện văn hóa học thuật với ý thức giữ gìn những nét đặc thù trong phong cách vận dụng ngôn ngữ và trong hình thái tư duy của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Mong rằng tư tưởng, ý pháp của Tổ sư thể hiện trong bộ Chơn lý nương vào duyên lành sẽ ít nhiều góp phần soi sáng con đường dẫn đến Chánh pháp, đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của mỗi người con Phật thiện duyên.

 

Xuân Giáp Ngọ, PL. 2557 – DL. 2014

TM. Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Cẩn bạch,

Sa-môn GIÁC TOÀN

 

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Chỉ những khách hàng đã đăng nhập và mua sản phẩm này mới có thể đưa ra đánh giá.