Mô tả
Khái Luận Văn Tự Học Chữ Nôm
Khái luận văn tự học chữ Nôm của Nguyễn Quang Hồng (NXB Giáo dục, 2008) là một chuyên luận khoa học về chữ Nôm, có độ dày đáng kể: 540 tr., khổ 16x24cm. Sách trình bày thanh nhã, ít lỗi chế bản, 60 tranh ảnh phụ bản vừa đủ để làm thư giãn đôi mắt người đọc, cũng là một hình thức trang trí cho cuốn sách đạt giá trị mĩ thuật.
Những độc giả thực sự của cuốn sách sẽ không khó nhận ra tính hệ thống và tính lí luận nói trên qua trình tự triển khai vấn đề trong cuốn sách.
Trong Chương 1 (Văn tự học và các hệ chữ viết cổ truyền ở Việt Nam, tr. 15-70), tác giả cung cấp một cái nhìn rộng lớn về bối cảnh văn tự thế giới và khu vực, rồi thu hẹp dần đến việc giới thiệu các hệ văn tự cổ truyền ở Việt Nam (chữ Chăm, chữ Thái, chữ Nôm Dao, chữ Nôm Ngạn, chữ Nôm Tày). Đó là những tri thức nền tảng không thể thiếu để đi vào những nghiên cứu chuyên sâu về chữ Nôm ở các chương.
Chương 2 (Ngọn nguồn và sự hình thành chữ Nôm, tr.71-144) đã bàn sâu về các tiền đề cho sự xuất hiện của chữ Nôm (Việt), về mối quan hệ của chữ Nôm với văn tự và ngôn ngữ Hán, với tiếng Việt và âm Hán Việt. Sau khi dượt qua tất cả những văn hiến Nôm sớm nhất hiện biết, tác giả tập trung phân tích cứ liệu chủ yếu về sự hình thành chữ Nôm: bản giải âm Phật thuyết Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Bản giải âm này là một mảnh đất đã có quá nhiều người cày xới, nhưng tác giả vẫn tìm được hướng đi riêng, đó là góc nhìn cấu trúc âm tiết tiếng Việt, một chuyên môn sâu từ lâu của ông, nếu ta biết rằng từ năm 1994 ông đã công bố cuốn chuyên luận Âm tiết và loại hình ngôn ngữ được học giả Cao Xuân Hạo đánh giá cao. Từ góc nhìn cấu trúc âm tiết đó, cộng với việc xử lí tư liệu một cách hệ thống, tỉ mỉ và độc lập với những tư liệu đã xử lí về bản giải âm này trước đây (như khẳng định tại tr.132), tác giả đi đến kết luận: bản giải âm trên phản ánh một thứ tiếng Việt ở thời kì “sơ thủy”, mới tách khỏi nhóm Việt – Mường, “chưa có đủ 6 thanh điệu và chưa từ bỏ hẳn cấu trúc âm thanh của từ ngữ theo công thức Cv-CVC và CCVC” (tr.131) (C = consonant = phụ âm, V = vowel = nguyên âm). Từ đó, tác giả đặt lại vấn đề niên đại của bản giải âm sớm hơn hẳn so với các giả thiết trước đây, khi ông cho rằng nó “được hoàn thành không thể muộn hơn thời nhà Lí (vào khoảng đầu thế kỉ XII, thậm chí còn có thể sớm hơn chút ít nữa)” (tr.144). Đó cũng chính là niên đại để “chữ Nôm bắt đầu trở thành một hệ thống văn tự ghi lại tiếng Việt đương thời” (tr.144).
Trong Chương 3 (Tổng quan về chữ Hán và chữ Nôm, tr.145-210), sau khi đã minh định về thời điểm xuất hiện của chữ Nôm và khẳng định những ảnh hưởng không thể phủ nhận của chữ Hán và tiếng Hán đối với chữ Nôm (trong Chương 2), cuốn sách tập trung thảo luận về mối quan hệ giữa chữ Hán và chữ Nôm trong bối cảnh “Cộng đồng văn tự chữ Hán”. Trên cơ sở ghi nhận những dấu tích ảnh hưởng từ chữ Hán tới chữ Nôm, và khẳng định những giá trị sáng tạo riêng của chữ Nôm về mặt cấu trúc, tác giả đi đến xây dựng một Bảng phân loại tổng quát cho chữ Nôm Việt gồm 13 loại với các tiêu chí phân loại nhất quán theo cách lưỡng phân. Phương pháp lưỡng phân này đã từng được ông bà GS.TS. Nguyễn Tài Cẩn và N. Stankevich áp dụng từ năm 1976 (để chia thành 10 loại chữ Nôm). Nếu ta biết rằng tính đến thời điểm hiện nay đã có hơn 20 cách phân loại cấu trúc chữ Nôm của nhiều học giả trong và ngoài nước, thì khách quan mà nói, Bảng phân loại với 13 loại như trên là một bước tiến mới, hợp lí và nhất quán, mà cũng vừa phải về số kiểu loại (đã có những cách chia thành 24 loại!), có thể bao quát được hầu hết các chữ cụ thể.
Trên cơ sở Bảng phân loại ấy, Chương 4 (Chữ Nôm: Cấu tạo và diễn biến, Phần Một, tr.211-303) và Chương 5 (cùng tên, Phần Hai, tr.305-389) cùng trình bày về một vấn đề chiếm dung lượng lớn trong cuốn sách, đó là vấn đề cấu tạo và diễn biến của chữ Nôm. Sự tỉ mỉ và công phu trong phần viết này dễ làm nản lòng những độc giả thiếu kiên trì, nhưng nếu chịu khó đọc trọn vẹn thì độc giả sẽ nhận thấy rằng, hai chương này đã được trình bày với một lượng tư liệu đồ sộ hơn nhiều so với các chuyên luận về chữ Nôm khác, và những tư liệu ấy lại được xử lí bằng một thái độ hết sức cẩn trọng và nghiêm ngặt, với một bộ máy khái niệm chuyên môn được minh định một cách rành mạch. Một điều đáng ghi nhận nữa là tác giả rất hạn chế sử dụng các kết quả khảo sát tư liệu (phiên âm và thống kê) đã công bố, mà muốn tự mình khảo sát và xử lí lại một cách thống nhất các tư liệu ấy, cộng với việc khảo sát và phân tích thêm nhiều mảng tư liệu mới để phục vụ nghiên cứu. Trong khi xử lí tư liệu, tác giả không quên sàng lọc qua con mắt văn bản học để đảm bảo tính khả tín về niên đại của văn tự. Từ đó, tác giả đã đi đến phác thảo diễn trình phát triển hệ thống chữ Nôm theo cách nhìn lịch đại gồm 4 thời kì: (1). Thời kì sơ khai (thời Lí – Trần – Hồ, thế kỉ XII-XIV); (2). Thời kì hoàn thiện (thời Lê sơ đầu thế kỉ XV đến Lê – Mạc cuối thế kỉ XVII); (3). Thời kì hưng thịnh (thời Lê mạt từ đầu thế kỉ XVIII đến hết triều Nguyễn, giữa thế kỉ XX); và (4). Thời kì bảo tồn và phát huy (từ giữa thế kỉ XX đến nay). Cách phân kì này đã thể hiện một cách nhìn biện chứng – lịch sử đầy lạc quan nhưng cũng rất khoa học về lịch sử diễn biến của chữ Nôm.
Chương 6 (Chữ Nôm trong đời sống xã hội, tr.391-471) là một chương thú vị, nhìn nhận chữ Nôm từ bình diện chức năng xã hội và văn hóa. Tác giả đi vào bàn luận một cách có hệ thống về các môi trường hành chức chủ yếu của chữ Nôm: văn hóa dân gian, tín ngưỡng và tôn giáo, khoa học và giáo dục, chính trị và hành chính quốc gia, văn học và nghệ thuật. Những luận thuật này cho thấy tác giả đã thoát khỏi cái kiểu “lối cũ ta về” trong nghiên cứu chữ Nôm là hầu như chỉ nhìn nhận thứ văn tự này từ góc độ ngôn ngữ và văn chương. Cuối chương, tác giả còn trình bày về những vấn đề rất “nóng”, rất “thời sự” trong nghiên cứu chữ Nôm: Ba thứ chữ trong lịch sử ngữ văn Việt Nam; Chữ Hán chữ Nôm với thế hệ trẻ; Chữ Nôm với người Kinh ở Trung Quốc; Đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính. Tác giả Nguyễn Quang Hồng, với những mối giao lưu học thuật quốc tế rộng rãi của mình, chính là một trong những người có công trong việc đưa chữ Nôm vào kho mã chuẩn Unicode để làm tiền đề cho việc đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính, một bước tiến đáng kể trong thực tiễn ngữ văn Việt Nam.
Sau Chương 6 là phần mà tác giả gọi là Phụ chương (Những phác thảo chữ Việt bên lề chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, tr.473-510) trình bày về “những ý tưởng và dự thảo của tiền nhân (vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX) về mấy hệ thống chữ Việt đặc biệt: hoặc vẫn dựa vào chữ Hán để đọc theo nghĩa và theo âm, hoặc vẫn lấy nét bút lông và khuôn hình ô vuông để phiên âm viết chữ” (tr.473). Đó là: (1). Ý tưởng về chữ Việt của Nguyễn Trường Tộ; (2). Quốc âm tân tự của Nam Thành cư sĩ; (3). An Nam quốc ngữ tân thức và Chữ quốc ngữ cổ (khuyết danh); (4). Chữ Việt: Quốc ngữ lối chữ Nho của Nguyễn Khắc Toản. Sau khi phân tích sâu về những tư liệu này từ điểm nhìn ngữ văn học, tác giả cho rằng qua đó chúng ta có thể “cảm nhận được nỗi trăn trở của tiền nhân và tinh thần độc lập, sáng tạo của họ trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn tự, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như hướng tới những mục đích thực tiễn rất đa dạng trong cuộc sống xã hội Việt Nam đương thời” (tr.501).
Mục Tư liệu Hán Nôm (tr.503-518) đã liệt kê kiêm phân tích sơ bộ về 92 đơn vị tư liệu nguyên bản chữ Hán Nôm (chủ yếu là chữ Nôm) trải đều trên các trục đồng đại và lịch đại cũng như các trục thể loại và chủ đề tác phẩm, thể hiện tương đối đầy đủ diện mạo của nền văn hiến chữ Nôm. Đây chính là nguồn tư liệu chủ yếu của cuốn sách. Mục Tài liệu tham khảo (tr.519-535) gồm 207 đơn vị tài liệu tham khảo đa ngữ, bao quát gần như toàn bộ lịch sử nghiên cứu trực tiếp và gián tiếp về chữ Nôm ở trong nước và quốc tế. Đây thực sự là một chỉ dẫn tốt cho những ai muốn tiếp tục đi sâu nghiên cứu chữ Nôm.
Trong rất nhiều điều mới mẻ của cuốn sách, có một số điểm mới rất đáng chú ý trong cách trình bày của tác giả.
Thứ nhất, đối với toàn bộ các trích dẫn văn Nôm trong sách (có dẫn nguồn đến từng trang tư liệu), ngoài phần phiên âm chữ Quốc ngữ như thông lệ, cuốn sách luôn in kèm nguyên tự chữ Nôm của toàn bộ các đoạn phiên âm bằng các font vi tính (chủ yếu là font Chu Nom Minh U của bộ gõ VietHanNom và font Nom Na Tong của bộ gõ Hanokey). Các chữ Nôm vi tính này đã được tác giả kì công mô tả theo đúng với nguyên dạng trong văn bản gốc – một yêu cầu bắt buộc trong khoa nghiên cứu văn tự học. Điều mới mẻ này chưa từng có trong các công trình nghiên cứu trước, nó vừa đảm bảo tính trung thực khoa học trong trích dẫn, lại vừa khiến cho cuốn sách có giá trị thẩm mĩ, khắc phục được nhược điểm “dùng chữ viết tay” như vẫn thường thấy.
Thứ hai, soát từ đầu đến cuối cuốn sách, ta không thấy có một chú thích nào, dù là ở chân trang, cuối chương, hay cuối sách. Nhưng tác giả đã khéo léo đan cài các chú thích vào ngay trong chính văn theo dạng chữ nhỏ đặt trong ngoặc vuông […], điều này vừa khiến cho cuốn sách “tránh được những ghi chú chi chít dưới các trang viết, e làm đứt mạch đọc và dễ gây rối trí độc giả” (tr.13), lại vừa đảm bảo tính khoa học trong việc dẫn nguồn tài liệu.
Thứ ba, cuối mỗi đơn vị trong danh mục 207 đơn vị Tài liệu tham khảo đều ghi rõ trong ngoặc vuông số thứ tự chương mục mà ở đó tài liệu ấy trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan. Đây là điều hiếm thấy ở Việt Nam, nhưng đã thành quen thuộc đối với tác giả, vì ngay từ công trình Âm tiết và loại hình ngôn ngữ (1994, tái bản 2001) ông đã làm như vậy. Lại một lần nữa, tính trung thực trong dẫn liệu khoa học được tuân thủ nghiêm ngặt, điều đó cũng giúp độc giả tiện bề tra cứu.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.