Mô tả
Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni
Đức Như Lai ứng thế, vì muốn cứu vớt các hàm linh khỏi khổ luân hồi , chứng lên quả Phật, nên mở cửa phương tiện, nói ra muôn ngàn pháp môn. Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni – một trong các pháp môn – là trí ấn của tất cả Như Lai, màu nhiệm rộng sâu, khác chi thuyền bè trong biển ba đào, nhật nguyệt giữa trời u ám. Các hành tứ chúng nên phát tâm trì tụng, tất hiện đời tội chướng tiêu diệt, phước huệ phát sinh, tương lai sẽ gần gũi chư Phật mười phương Tịnh độ.
Trong niên hiệu Nghị Phụng thời Hậu Chu, có vị tằng là Phật Đà Ba Lỵ từ Tây Thiên Trúc đến Trung Hoa. Trong dịp chiêm lễ thánh tích ở non Ngũ Đài, Ngài gặp một lão ông từ trong núi đi ra, dùng tiếng Phạn bảo rằng: “Pháp sư chẳng nài mệt nhọc, từ muôn dặm đến đây thành tâm đảnh lễ, mong diện kiến đức Văn Thù, thật đã hết lòng mộ đạo. Nhưng chúng sanh ở Trung Hoa, đa số tạo nhiều tội nghiệp, hàng xuất gia phần đông phạm luật nghi, chỉ có kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni mới diệt được tất cả tội chướng ấy. Chẳng hay Pháp Sư có đem theo kinh đó đến miện này chăng?”. Ngài Phật Đà Ba Lỵ đáp: “Bần đạo đến đây chỉ vì mục đích đảnh lễ Đức Văn Thù, nên không đem kinh đó theo”. Lão ông nói: “Đức Đại thánh Văn Thù hằng có lòng từ bi muốn cứu độ chúng sanh. Pháp sư đã không đem kinh ấy theo, tức là không hợp với thành tâm, dù có gặp Đức Văn Thù, cũng không được phần lợi ích. Vậy Ngài nên trở về Tây Trúc đem kinh ấy đến lưu truyền nơi miền Hán độ, đề cứu vớt sanh loại, siêu độ u linh, tức là báo ơn Chư Phật chừng đó quyết định sẽ gặp Bồ-tát Văn Thù”. Nói xong, bỗng biến mất.
Biết lão ông là Đức Văn Thù hóa hiện dạy bảo. Ngài Phật Đà Ba Lỵ mừng thương lẫn lộn, cúi đầu đãnh lễ, vội vã trở về Tây Trúc. Đến năm Vĩnh Thuận thứ hai, Ngài mới đem kinh đến Trung Hoa, vào triều nội, tâu lên mọi việc. Vua nghe xong, vui đẹp, sắc cho Ngài Nhật Chiếu Tam Tạng và Quan Tư Tân Điển Lịnh là Đỗ Hành Khải phiên dịch. Dịch xong, Vua đem kinh bản bảo tàng trong nội, cấm không cho lưu hành và thưởng tặng Cao tăng Phật Đà Ba Lỵ 30 cuốn lụa. Ngài thương khóc, tâu rằng: “Bần đạo không kể nguy hiểm thân mạng, từ xa đem kinh đến đây. Vì muốn lợi lạc quần sanh, không nghĩ đến danh lợi. Xin Thánh Thượng gia ân cho lợi ích !”Vua dạy lưu kinh phiên dịch, và trả lại Phạm bản cho Tây Tăng. Ngài Phật Đà Ba lỵ đem Phạm bản đến chùa Tây Minh, tìm được vì tăng Trung Hoa giỏi Phạm ngữ là Thuận Trinh, rồi dâng sớ tâu xin cho cùng phiên dịch, và cho ra nhiều bản để lưu hành. Xong, Ngài Phật Đà Ba Lỵ đem Phạm bản đến non Ngũ Đài, vào hang Kim Cang rồi không thấy trở ra, tương truyền Ngài đã được Đức Văn Thù thâu nhận vào pháp hội của Chư Bồ tát.
Bởi sự tích trên, nên bút giả nghĩ kinh này có thề lợi ích cho hàng Phật tử Việt Nam. Theo trong Đại tạng, kinh này có tất cả chín bản dịch, bút giả lấy bản dịch của Ngài Phật Đà Ba Lỵ làm bản chánh, tham chiếu các bản khác của chư vị như: Kim Cang Trí, Thiện Vô Úy, Địa Bà Ha, Nghĩa Tịnh,Bất Không…bổ vào những chỗ khuyết. Lại theo Mật tạng, Tôn Thắng chân ngôn còn có tên là Nhứt Thiết Như Lai Ô Sắc Ni Sá Tối Thắng Đà La Ni. Thần chú này do Đức Thế Tôn ở Đại Thiện Pháp Đường nơi cõi Cực lạc. Sau khi nhập Phổ Chiếu Cát Tương Tam Ma Địa nói ra.Thấy chú văn y như nhau, bút giả cũng lấy bản Nhứt Thiết Như Lai Ô Sắc Ni Sá Tổng Trì Kinh làm tài liệu tham chiếu. Ngoài ra, lại còn có quyển Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni Niệm Tụng Nghi Quỹ Pháp của Ngài Bất Không Tam Tạng dịch. Bút giả nghĩ pháp thức đó dành cho bực lợi căn chuyên tu về Mật Tông, không thích hợp với phần đông trình độ hiện nay, nên không dịch ra đây.
Việc làm này có phần nào công đức, xin hồi hướng vãng sanh Tịnh Độ, cho bốn ân, ba cõi, và pháp giới hữu tình.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.