Mô tả
Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà Ra Ni – Huyền Thanh
Theo truyền thống Mật Giáo thì Phật Đỉnh Tôn Thắng là một trong 5 Phật Đỉnh của viện Thích Ca thuộc Thai Tạng Giới Mạn Đà La ( Garbhadhàtu- Manïdïala) có tên là Trừ Chướng Phật Đỉnh (Vikiranïa Usïnïìsïa) biểu thị cho Đỉnh Thần Thông không có chỗ sợ hãi (vô sở úy) của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai (‘Sàkyamunïi Tathàgaya). Phật Đỉnh này có Chủng Tử là HRÙMÏ ( ) , Tam Muội Gia Hình là “Hoa Sen bên trên có dựng móc câu” . Tôn này có công năng nhiếp phục , làm tiêu trừ mọi nghiệp cấu của tất cả chúng sinh và khiến cho chúng trở thành thanh tịnh. Trong 5 Phật Đỉnh hóa hiện từ đỉnh kế của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai thì Phật Đỉnh này là thù thắng nhất cho nên hệ Mật Giáo dùng Phật Đỉnh Tôn Thắng làm Bản Tôn cho Pháp tu trì về Tức Tai, trị bệnh… và xưng là Tôn Thắng Pháp.
_Truyền thống Hoa Văn ghi nhận vào đời Đường Cao Tông , niên hiệu Nghi Phượng, năm đầu tiên (676) có vị Tam Tạng của nước Kế Tân tên là Phật Đà Ba Lợi (Buddhapàli) đi đến Trung Hoa. Trong dịp lễ bái thánh tích ở núi Ngũ Đài, Ngài gặp một ông lão khuyên bảo nên trở về Thiên Trúc lấy Kinh Bản Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni đem truyền cho dân chúng Trung Hoa. Đến niên hiệu Vĩnh Thuận thứ hai (683) Ngài đi đến Trường An, được vua ban sắc là Nhật Chiếu Tam Tạng Pháp Sư cùng với vị quan tên Đỗ Hành Khải cùng dịch ra để lưu truyền.
Sau này các bậc Đạo Sư, học giả cũng phân biệt dịch Kinh này như:
Đời Đường, Đỗ Hành Khải dịch Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh (1 quyển)
Đời Đường, Pháp Sùng biên soạn Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh Sớ (2 quyển). Sau đó lại chú thích Phạn Bản Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni của ngài Bảo Tư Duy
Đời Hậu Chu, Trí Xứng dịch Tôn Thắng Đà La Ni kèm với Niệm Tụng Công Đức Pháp (đã bị thất lạc)
Đời Đường, Thiên Trúc Tam Tạng Địa Bà Ha La dịch Tối Thắng Phật Đỉnh Đà La Ni Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Kinh (1 quyển)
Đời Đường, Địa Bà Ha La lại trùng dịch Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh (1 quyển)
Đời Đường, Tam Tạng Sa Môn Nghĩa Tịnh dịch Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh (1 quyển)
Đời Đường, Tam Tạng Thiện Vô Úy (‘Subhakara) dịch Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già Pháp Nghi Quỹ (2 quyển)
Đời Đường , Tam Tạng Kim Cương Trí (Vajra Jnõàna) dịch Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni (1 bản)
Đời Đường, Tam Tạng Sa Môn Đại Quảng Trí Bất Không (Amogha) dịch Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni Niệm Tụng Nghi Quỹ Pháp (1 quyển)
Đời Đường, Tam Tạng Bất Không lại ghi chú nghĩa của Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La ni (1 bản)
Đời Tống, Thi Hộ (‘Sìlapàla) dịch Tôn Thắng Đại Minh Vương Kinh (1 quyển)
Đời Tống, Truyền Pháp Đại Sư Pháp Thiên (Dharma Deva) dịch Tôn Thắng Phật Đỉnh Đà La Ni (1 bản) và Phật Thuyết Nhất Thiết Như Lai Ô Sắt Nị Sa Tối Thắng Tổng Trì Kinh (1 quyển)
Ngoài các Kinh Bản này ra, còn lưu truyền rất nhiều bản Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni của Ngài Nghệ Không, Vũ Triệt…., các bản Gia Cú Linh Nghiệm chép tay được phát hiện ở Động Đôn Hoàng. Nhân đây Pháp Tu Tôn Thắng đã được truyền rộng qua Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản…
_ Truyền Thống Mật Giáo Nhật Bản thường lưu hành các bài Phật Đỉnh Tôn Thắng của Tam Tạng Thiện Vô Úy và bài Phật Đỉnh Tôn Thắng Cụ Túc Bản của Đại Sư Hoằng Pháp
_ Ở Tây Tạng thì lưu truyền bài chú của Namgyelma ( tức Phật Đỉnh Tôn Thắng Thần Chú) gồm một bài dài và một bài ngắn.
_ Tại Việt Nam , Đời nhà Đinh đã lưu truyền bản Phật Đỉnh Tôn Thắng Gia Cú Linh Nghiệm Đà La Ni .Theo quyển Văn Sắc Hán Nôm Việt Nam Thời Lý do Viện Viễn Đông Bác Cổ và Viện Hán Nôm Việt Nam biên soạn (từ trang 55 đến trang 70) ghi nhận 5 bài Phật Đỉnh Tôn Thắng Gia Cú Linh Nghiệm Đà La Ni được Thái Tử Đinh Liễn ghi khắc trên các cột đá ( Gồm 5 bia số 5, số 6, số 7, số 8, số 9 ) để cúng dường . 5 bia văn đó là:
.) Bia số 5 ( 973) : Cột đá gồm 8 mặt , phát hiện vào năm 1963 trong lòng đất thuộc xã Trường An, huyện Hoa Lư, nay đã thất lạc, chỉ còn lại bản phục chế tại Bảo Tàng huyện Hoa Lư. Bài văn khắc trên 8 mặt, cao 65cm, rộng 5cm, gồm 16 hàng, khắc chìm, chữ chân phương, cả thảy gồm 470 chữ.
Đề bạt nói về việc Nam Việt Vương Đinh Liễn dựng 100 tòa Thạch Tràng vào năm Quý Dậu (973) . Phần cuối minh văn bị mờ. Thác bản (in từ bản phục chế) lưu tại viện Nghiên Cứu Hán Nôm ( ký hiệu VB1)
.) Bia số 6 (979): Cột đá 8 mặt phát hiện dưới lòng đất xã Trường An , huyện Hoa Lư năm 1986, hiện bảo quản tại Bảo tàng Ninh Bình. Minh văn 8 mặt, cao 65cm, rộng 6,5cm , gồm 19 hàng, khắc chìm , chữ khải chân phương. Cả thảy khoảng 560 chữ. Thác bản văn bản để tại viện Nghiên Cứu Hán Nôm (ký hiệu VB2)
Trong phần đề bạt không ghi rõ năm tạo. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ( Ngoại Ký:5 a-b) Đinh Liễn giết hại em trai vào mùa xuân năm 979 , và tháng 10 năm đó Đinh Liễn cùng với cha cũng bị giết hại. Chúng tôi ( Nhóm biên soạn quyển Văn Sắc Hán Nôm Thời Lý) có thể đoán định Thạch Tràng này tạo dựng vào năm 979, thời điểm sau khi em trai ông bị giết hại và trước khi ông bị giết.
.) Bia số 7 (979) : Cột đá 8 mặt phát hiện ở xã Trường Xuân, huyện Hoa Lư, hiện bảo quản ở Bảo tàng Ninh Bình. Bài văn khắc trên 8 mặt, cao 66cm, rộng 16cm, gồm 20 dòng, khắc chìm, chữ khải chân phương. Cả thảy khoảng 560 chữ.
Thác bản hiện lưu tại viện Nghiên Cứu Hán Nôm (ký hiệu VB3) Về niên đại của bia này, xem văn bản số 6.
.) Bia số 8 (979) : Cột đá 8 mặt, phát hiện năm 1986, hiện bảo quản tại Bảo tàng Ninh Bình. Minh văn khắc trên 8 mặt, cao 60cm, rộng 7cm,gồm 18 dòng, khắc chìm, chữ chân phương. Cả thảy khoảng 460 chữ.
Thác bản tại viện Nghiên Cứu Hán Nôm (VB8). Về niên đại của bia này, xem văn bản số 6)
.) Bia số 9 (Thế kỷ X): Cột đá 8 mặt, phát hiện năm 1964. Hiện bị thất lạc. Minh văn 8 mặt, cao 80cm, rộng 10,5cm, chỉ có thể đọc được 6 mặt, mỗi mặt có 3 dòng, gồm khoảng 470 chữ. Tuy trong đề bạt không ghi năm tạo, nhưng chúng tôi (nhóm biên soạn quyển Văn Sắc Hán Nôm thời Lý) có thể đoán định vào thế kỷ thứ X . Thác bản minh văn năm 1970 để ở Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, hiện bị thất lạc. Theo đoán định của đề dẫn bản chép tay Đôn Hoàng(P.2197R0 (8) ,S.4378 V0 và P.3919 [B] [5] ). Phần mở đầu của Đà La Ni viết thêm 28 câu (P.3919 [B] [5] chỉ có 18 câu) thơ thất ngôn, rất có khả năng là một bài văn Đạo Tràng tụng niệm Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni. Bài thơ chỉ ghi việc cúi đầu tán dương Đức Phật và “Tổng Trì Sa-Ba-Nhã” (sarva-jnõa) mà thôi. Cuối bài thơ là việc thỉnh chư Phật Bồ Tát và Bát Bộ Thiên Long, Diêm Vương cùng hai vị Thiện ác đồng tử …. Tất cả Thánh Hiền trong Phật Giáo giáng lâm Đạo Tràng để phù hộ Phật Pháp. Từ đó hy vọng tất cả chúng sinh khi nghe được bài văn chú Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni sẽ thành Phật .
( Phần ghi chép gốc tích 5 văn bia này đều trích trong quyển Văn Sắc Hán Nôm Việt Nam thời Lý , từ trang 55 đến trang 56).
Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni (Usïnïisïa Vijaya Dhàranïì) còn được gọi là : Diên Mệnh Đà La Ni, Thiện Cát Tường Đà La Ni. Phàm có 9 lược bản (bản ngắn) được lưu truyền là các bản dịch của Đỗ Hành Khải, Tam Tạng Nhật Chiếu, Tam Tạng Nghĩa Tịnh, Bà La Môn Tăng Phật Đà Ba Lợi, Tam Tạng Thiện Vô Úy,Tam Tạng Kim Cương Trí, Tam Tạng Bất Không, Bản chú dịch của Pháp Sùng ( Bản Phạn của Ngài Bảo Tư Duy), Phạn Bản sở truyền của Đại Sư Hoằng Pháp. Ngoài ra còn có các Quảng Bản ( Bản dài) được dịch bởi Truyền Pháp Đại Sư Pháp Thiên, Thiền Sư Nghệ Không, Truyền bản của Tây Tạng…. Riêng Bản Phật Đỉnh Tôn Thắng Gia Cú Linh Nghiệm Đà La Ni được lưu truyền ở Việt Nam trong đời nhà Đinh là bản phối hợp giữa Quảng Bản và Lược Bản .
Hầu hết các bản ghi chép đều công nhận là: Nếu có người ghi chép, thọ trì, cúng dường, đọc tụng Đà La Ni này. Hoặc sao chép bài Chú rồi đặt trong Tháp Miếu ( Stùpa) , trên cây phướng cao, lầu gác… Hoặc ghi khắc trên các trụ đá, bia đá cúng dường cầu đảo… ắt tịnh trừ được tất cả các nẻo ác, tiêu trừ tội chướng, tăng trưởng thọ mệnh, sau khi chết được vãng sinh về cõi Cực Lạc.
Nếu cầu cho người đã chết được siêu độ thì trì tụng Đà La Ni này 21 biến vào một nắm đất hoặc cát sạch rồi rải lên thi hài hoặc nấm mồ thì người ấy nhất định siêu thoát.
Ngoài ra trong Nghi Quỹ và Kinh Điển còn ghi rất nhiều công năng của Pháp tu trì Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni như: Cầu mưa, trừ lũ lụt, trừ tai nạn, cầu tài lộc, trị bệnh tật…
Người tu Mật Tông vào hai buổi sáng, chiều có thể vì người chết mà hồi hướng Thời Tụng thì người chết được hưởng nhiều lợi ích cho đến có thể tiêu trừ nghiệp chướng ác được sinh lên cõi Trời hoặc có thể sinh về cõi Tịnh Thổ. Trong khóa tụng của Thiền Tông cũng thường niệm tụng bài Chú này.
Tại Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam có rất nhiều người tin tưởng và trì tụng Đà La Ni này và được sự linh nghiệm chẳng ít
Tuy nhiên do các Truyền Bản có nhiều sai khác về âm ngữ và nghĩa thú nên sau nhiều năm tham khảo tìm tòi, tôi xin sưu tập lại các bài Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni và mạo muội phục hồi lại Phạn văn cùng với nghĩa thú của Đà La Ni nhằm có thể giúp ích được phần nào cho sự tu học của Phật Tử Việt Nam. Điều không thể tránh khỏi là các bản này còn nhiều sự khiếm khuyết. Ngưỡng mong các Bậc Long Tượng của Mật Giáo, chư vị Cao Tăng Đại Đức hãy rũ lòng Từ Bi sửa chữa giùm lỗi lầm ngỏ hầu giúp ích cho những người cầu học Chính Pháp Giải Thoát được thọ hưởng nhiều sự lợi ích.
Đầu Hạ, năm Ất Dậu (2005)
Huyền Thanh ( Nguyễn Vũ Tài) kính ghi
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.